· tin tuc · 3 min read
Leverkusen là chuyên gia 'mua rẻ, bán đắt' của Bundesliga
Không thể cạnh tranh được chức vô địch với ông lớn Bayern Munich hay Dortmund, nhưng Leverkusen đang nổi lên là đội bóng biết cách làm ăn nhất với khả năng mua rẻ hoặc thậm chí chẳng tốn xu nào để sở hữu 1 cầu thủ chất lượng rồi bán đi với giá “cắt cổ”.
Cuối tuần qua, sau rất nhiều ngày đàm phán cân não, Leverkusen quyết định bán tiền vệ đội trưởng Kai Havertz cho Chelsea để thu về khoản phí chuyển nhượng kỷ lục, 80 triệu euro. Đây được xem là thương vụ mua bán có lãi nhất lịch sử đội chủ sân BayArena, bởi họ không mất đồng nào để mua Havertz, bởi anh là sản phẩm trưởng thành từ lò đào tạo trẻ của đội bóng.
Julian Brandt là một thương vụ khác cũng mang lại cho Leverkusen khoản tiền khổng lồ, dù số tiền gốc họ bỏ ra là không nhiều. Cụ thể, năm 2014, Leverkusen chi ra khoản tiền 500.000 euro cho Wolfsburg để sở hữu cầu thủ sinh năm 1996. Sau 6 mùa giải khoác áo đội 1, mùa Hè 2019, Leverkusen quyết định bán Brandt cho Dortmund để thu về khoản tiền 25 triệu euro.
Thủ thành Bernd Leno cũng được xem là khoản đầu tư sinh lời của Leverkusen, khi họ chỉ mất 7 triệu euro để trả cho Stuttgart năm 2011 để có sự phục vụ của cầu thủ 28 tuổi, trước khi bán anh cho Arsenal mùa Hè năm 2018 với mức phí 25 triệu bảng.
Heung-min Son cũng là một thương vụ mang lại lợi nhuận cho Leverkusen. Đội chủ sân BayArena chiêu mộ ngôi sao người Hàn Quốc từ Hamburg mùa Hè năm 2013 với mức phí 10 triệu euro. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm gắn bó, Leverkusen bán Son cho Tottenham để thu về khoản tiền 30 triệu euro.
Một cái tên khác cũng giúp Leverkusen thu được khoản lãi đáng kể là Hakan Çalhanoğlu, người được đem bán cho AC Milan mùa Hè năm 2017 với mức phí 23 triệu euro. Trước đó, tiền vệ sinh năm 1994 gia nhập Leverkusen cũng từ Hamburg với mức phí chỉ 14 triệu euro.
Tính ra, Leverkusen chỉ bỏ ra khoản tiền 31,5 triệu euro để sở hữu 5 ngôi sao kể trên, nhưng đã thu về tới 183 triệu euro. Tính ra, đội bóng chủ sân BayArena lãi tới 151,5 triệu euro.